GIỚI THIỆU
THÔNG BÁO
TIN TỨC SỰ KIỆN
ĐẠO SỰ TỪ THIỆN XÃ HỘI
TIN ĐẠI LỄ
TẠP CHÍ HƯƠNG SEN
DIỄN ĐÀN

  
HỆ THỐNG TỔ CHỨC
 Hệ thống Tổ chức Giáo hội
VĂN BẢN ĐẠO QUY
 Hiến chương
 Quy chế
 Nội quy
THÔNG TIN ĐẠO SỰ
  •  - Công an An Giang và Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo sơ kết mô hình ‘2 An’ 

  •  - BAN TRỊ SỰ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO HÒA HẢO XÃ KHÁNH HÒA HỖ TRỢ QUÀ CHO HỘ NGHÈO VÀ HỌC SINH 

  •  - Thêm địa chỉ chữa bệnh từ thiện ở huyện Phú Tân 

  •  - Những người hào phóng với quê hương 

  •  - Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo xã Hòa An cất nhà tình thương cho hộ nghèo Ấp Bình Quới 

  •  - TP.HCM - HỘI NGHỊ TUYÊN TRUYỀN LUẬT TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO 

  •  - BAN TRỊ SỰ XÃ HÒA BÌNH BÁO CÁO KẾT QUẢ XÂY DỰNG CẦU AN QUỚI I 

  •  - Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo xã Tân Phong bàn giao 20 căn nhà từ thiện 

  •  - XOA DỊU NỖI ĐAU CHẤT ĐỘC DA CAM 

  •  - TỔ CẤT NHÀ TỪ THIỆN CỦA BAN TRỊ SỰ GH PGHH P. TÂN LỘC CẤT NHÀ CHO HỘ NGHÈO 

  • LỊCH THUYẾT GIẢNG
  •  - Lịch Lớp Bồi dưỡng Giáo lý căn bản (khai giảng từ 12/7/2020 đến 15/8/2020) 



  • LIÊN KẾT WEBSITE
    TIẾNG TỪ BI
     Sấm giảng (sách)
     Thi văn Giáo lý (sách)
     VIDEO TIẾNG TỪ BI
    LỊCH THUYẾT GIẢNG
     Video Thuyết Giảng Giáo Lý
    PHIM TÀI LIỆU
     Phim tài liệu
     Đại lễ
     Tu Rèn Tâm Trí
     Muốn Về Cõi Phật
    THỐNG KÊ TRUY CẬP
     Đang online:  22
     Hôm nay:  789
     Hôm qua:  2,126
     Tuần này:  22,357
     Tuần trước:  14,715
     Tháng này:  420,055
     Tháng trước:  342,450
     Tất cả:  4,550,016
      Văn bản 
       Quy chế 

    QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA BAN TRỊ SỰ TRUNG ƯƠNG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO HÒA HẢO NHIỆM KỲ V (2019-2024) - 05:12:54 AM | 24/07/2020
    Ban hành kèm theo Quyết định số:229/QĐ-BTSTƯ ngày 18 tháng 5 năm 2020 của Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo

     

     

     

    QUY CHẾ

    LÀM VIỆC CỦA BAN TRỊ SỰ TRUNG ƯƠNG

    GIÁO HỘI PHẬT GIÁO HÒA HẢO

    (Ban hành kèm theo Quyết định số:229/QĐ-BTSTƯ ngày 18 tháng 5 năm 2020 của Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo)

     

     

    Căn cứ Hiến chương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo đã được thông qua tại Đại hội đại biểu Phật giáo Hòa Hảo cấp toàn đạo lần V, ngày 04, 05 tháng 6 năm 2019;

    Căn cứ Công văn số: 736/TGCP-TGK và Công văn số: 737/TGCP-TGK ngày 05 tháng 7 năm 2019 của Ban Tôn giáo Chính phủ về việc chấp thuận Hiến chương giáo hội và nhân sự suy cử vào Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo nhiệm kỳ V (2019-2024),

    Nhằm tạo sức mạnh tổng hợp trong việc triển khai, tổ chức thực hiện thống nhất đường hướng “Vì đạo pháp, vì dân tộc”; Hiến chương giáo hội và các chương trình đạo sự đã được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn đạo lần thứ V, nhiệm kỳ V (2019-2024),

    Nay, Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo nhất trí thông qua và ban hành Quy chế làm việc của Ban Trị sự Trung ương như sau:

     

     


    CHƯƠNG I

    VAI TRÒ, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

    CỦA BAN TRỊ SỰ TRUNG ƯƠNG

     

    Điều 1. Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo

    Là tổ chức hợp pháp duy nhất, đại diện cho toàn thể tín đồ Phật giáo Hòa Hảo trong khối đại đoàn kết dân tộc, hoạt động trong lãnh thổ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật Nhà nước, có pháp nhân phi thương mại và có con dấu riêng.

    Nhiệm kỳ của Ban Trị sự Trung ương là 05 năm, bắt đầu từ khi Đại hội đại biểu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo suy cử và kết thúc khi Đại hội kế tiếp liền theo suy cử ra Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo nhiệm kỳ mới.

    Ban Trị sự Trung ương thực hiện nhiệm vụ hành đạo đúng giáo lý chân truyền của Đức Huỳnh Giáo chủ, theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo và pháp luật Nhà nước.

    Điều 2. Ban Trị sự Trung ương có nhiệm vụ:

    1.  Chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình hoạt động đạo sự toàn nhiệm kỳ của Ban Trị sự Trung ương, quyết định Quy chế làm việc và Nội quy hoạt động của Ban Trị sự các cấp và các tổ chức trực thuộc Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo.

    2.  Quyết định triển khai kế hoạch hoạt động đạo sự trọng tâm và thường kỳ Nhà nước.

    Trực tiếp cho ý kiến một số vấn đề quan trọng khác, do Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương đề nghị hoặc yêu cầu.

    3.  Ủy quyền Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương quyết định các vấn đề về tổ chức bộ máy, công tác nhân sự theo đúng quy định của Hiến chương giáo hội.

    4.  Tổ chức hội nghị Ban Trị sự Trung ương thường kỳ hay bất thường, xem xét báo cáo của Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương về việc lãnh đạo thực hiện nghị quyết Đại hội, nghị quyết của Ban Trị sự Trung ương, những quyết định quan trọng của Ban Thường trực giữa hai kỳ hội nghị Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo; xem xét các báo cáo định kỳ hằng năm và bất thường của ban chuyên ngành.

    Điều 3. Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo giao cho Ban Thường trực quyền:

    1.  Quyết định chuẩn y, bổ nhiệm Trị sự viên Trung ương và cơ sở, nhân sự Văn phòng, các ban chuyên ngành, Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh, thành phố và các tổ chức trực thuộc trong hệ thống giáo hội.

    2.  Tổ chức, kiểm tra các hoạt động của các tổ chức trong đạo, quan hệ với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ngành hữu quan để giải quyết những vấn đề liên quan đến hoạt động của Ban Trị sự Trung ương, Ban Trị sự cơ sở và sinh hoạt tôn giáo của tín đồ, bảo đảm hoạt động đạo sự thông suốt, thống nhất và có hiệu quả.

    3.  Ban hành, sửa đổi, bổ sung quyết định Quy chế làm việc và Nội quy hoạt động của Ban Trị sự các cấp và các tổ chức trực thuộc Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo.

    4.  Quy định về tổ chức, nguyên tắc làm việc, tiêu chuẩn danh hiệu, thủ tục,… Xét cấp bằng hoặc giấy tuyên dương, tuyên dương công đức cho các Trị sự viên, chức việc và tín đồ có nhiều đóng góp công sức, tài vật cho đạo; xử lý kỷ luật Trị sự viên, chức việc và tín đồ vi phạm những điều răn cấm của đạo, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo và Pháp luật Nhà nước.

    5.  Hướng dẫn, chỉ đạo Ban Trị sự cấp cơ sở Đại hội tổng kết nhiệm kỳ và tổ chức triệu tập Đại hội cấp toàn đạo, ấn định số lượng, thành phần đại biểu Đại hội; dự thảo nội dung và dự kiến nhân sự Ban Trị sự cho nhiệm kỳ tới.

    6.  Ban Thường trực, Ban Trị sự Trung ương có trách nhiệm báo cáo và giải trình những đạo sự được Ban Trị sự Trung ương giao nhiệm vụ sau mỗi kỳ họp Ban Thường trực, và Ban Trị sự Trung ương.

     

     

    CHƯƠNG II

    CƠ CẤU TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA TỪNG TRỊ SỰ VIÊN BAN TRỊ SỰ TRUNG ƯƠNG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO HÒA HẢO

     

    Điều 4. Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo do Đại hội đại biểu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo toàn đạo suy cử có 25 đến 29 Trị sự viên, nhiệm kỳ 05 năm, có 05 ban chuyên ngành và 01 Văn phòng:

    1.  Ban Phổ truyền giáo lý

    2.  Ban Từ thiện – Xã hội

    3.  Ban Tổ chức và Nhân sự

    4.  Ban Kiểm soát

    5.  Ban Tài chính

    6.  Văn phòng Ban Trị sự Trung ương.

    Điều 5. Trị sự viên Ban Trị sự Trung ương có nhiệm vụ và quyền hạn:

    1.  Hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công.

    2.  Tham gia thảo luận, biểu quyết và cùng chịu trách nhiệm về những quyết định chung của Ban Trị sự Trung ương. Tham gia hoạt động của các ban chuyên ngành, các tiểu ban, các tổ công tác hoặc các hình thức tổ chức khác của Ban Trị sự Trung ương, Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương khi được phân công. Tham gia đầy đủ và đóng góp ý kiến vào các chương trình, kế hoạch đạo sự và các vấn đề do Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương đề xuất.

    3.  Nghiêm chỉnh thực hiện và bảo vệ đường hướng “Vì đạo pháp, vì dân tộc”, Tôn chỉ hành đạo, Hiến chương giáo hội, thông bạch, chỉ thị, nghị quyết, quyết định, quan điểm lập trường của Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương.

    Cùng với các tổ chức trực thuộc (Văn phòng, các ban chuyên ngành, Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh, thành phố, Ban Trị sự cơ sở) chịu trách nhiệm lãnh đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Ban Trị sự Trung ương, Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương. Chỉ đạo công tác củng cố, xây dựng khối đoàn kết nội bộ trong từng bộ phận được phân công phụ trách, góp phần kiện toàn tổ chức, phát huy nội lực để xiển dương chánh pháp từ Trung ương đến cơ sở. Tích cực giữ gìn sự trong sáng vốn có của nền đạo, đẩy lùi các hiện tượng biến tướng, tiêu cực, mê tín dị đoan, ảnh hưởng đến thanh danh của nền đạo.

    4.  Chủ động tham gia đề xuất giải pháp thực hiện, đường hướng, chương trình hoạt động đạo sự của nhiệm kỳ, nhất là những vấn đề cần tăng cường chỉ đạo liên quan đến lĩnh vực hoặc địa bàn mình phụ trách.

    Có quyền góp ý, chất vấn đối với hoạt động của Văn phòng, các ban chuyên ngành và trách nhiệm của các Ủy viên Thường trực, Trưởng ban, Phó Trưởng ban Ban Trị sự Trung ương; các tổ chức và cá nhân được góp ý, chất vấn có trách nhiệm trả lời các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ được giao.

    Được cung cấp và yêu cầu Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương cung cấp thông tin cần thiết theo yêu cầu nhiệm vụ.

    5.  Chấp hành sự phân công,điều động,quyết định bố trí công tác, khen thưởng, thi hành kỷ luật của Ban Trị sự Trung ương và Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương. Được trình bày ý kiến khi được nhận xét, góp ý đối với mình.

    6.  Có kế hoạch tự học tập, tu dưỡng để nâng cao trình độ hiểu biết và thực hành đúng giáo lý chân truyền, gương mẫu và giữ gìn giới luật, không ngừng rèn luyện nghiệp vụ chuyên môn được Ban Trị sự Trung ương giao phó. Liên hệ mật thiết với Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh, thành phố, Ban Trị sự cơ sở, nắm bắt tâm tư nguyện vọng chính đáng của bà con đồng đạo để phản ảnh kịp thời về Ban Trị sự Trung ương và Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương.

    7.  Có quyền tham gia giới thiệu về công tác nhân sự, quy hoạch, bồi dưỡng nhân sự kế thừa của Văn phòng và các ban chuyên ngành, đơn vị nơi công tác.

    8.  Tham gia sinh hoạt hội họp theo quy định, chấp hành sự phân công của tổ chức. Tăng cường ý thức trách nhiệm được giao, qua đó đánh giá kết quả đạo sự rút kinh nghiệm bản thân để phục vụ ngày càng tốt hơn cho đạo.

    9.  Trong công tác hằng ngày, các Trị sự viên Trung ương thực hiện theo chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, không lấy danh nghĩa thay mặt Ban Thường trực hoặc Ban Trị sự Trung ương, trừ khi được sự ủy nhiệm.

     

    CHƯƠNG III

    CƠ CẤU, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN

    CỦA BAN THƯỜNG TRỰC BAN TRỊ SỰ TRUNG ƯƠNG

    VÀ TỪNG ỦY VIÊN BAN THƯỜNG TRỰC

     

    Điều 6. Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo có cơ cấu, nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

    1.  Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo gồm có:

    -      Trưởng ban

    -      01 Phó Trưởng ban Thường trực

    -      Các Phó Trưởng ban

    -      Chánh Văn phòng

    -      Các Ủy viên Thường trực.

    2.  Có nhiệm vụ xác định, bàn luận và quyết định các đạo sự trọng tâm. Thay mặt Ban Trị sự Trung ương điều hành đạo sự giữa hai kỳ họp của Ban Trị sự Trung ương và chịu trách nhiệm báo cáo với Ban Trị sự Trung ương.

    3.  Thống nhất quản lý tài chính và giáo sản do Ban Trị sự Trung ương điều hành, thể hiện bằng nội quy hoạt động của Ban Tài chính.

    4.  Phân công nhiệm vụ các Trị sự viên Trung ương, Ủy viên Ban Thường trực; duyệt nội dung chuẩn bị văn kiện và nhân sự Đại hội các Ban Trị sự cơ sở; chuẩn bị các dự thảo văn kiện, đề án nhân sự Đại hội đại biểu toàn đạo để trình Ban Trị sự Trung ương.

    5.  Quyết định giới thiệu hoặc đề nghị nhân sự để bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo ở Văn phòng, các ban chuyên ngành, Ban Đại diện các tỉnh, thành phố; chuẩn y nhân sự các Ban Trị sự cơ sở, Ban Quản tự các chùa Phật giáo Hòa Hảo và các tổ chức khác trong hệ thống giáo hội.

    6.  Tổ chức chỉ đạo Hội đồng tuyên dương khen thưởng và kỷ luật; xét nâng trợ cấp thường xuyên cho chức việc, nhân viên Văn phòng, các ban chuyên ngành Ban Trị sự Trung ương.

    Điều 7. Ủy viên Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương.

    1.  Tham gia thảo luận, biểu quyết và chịu trách nhiệm về các quyết định của Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương. Chịu trách nhiệm trước Ban Trị sự Trung ương, Ban Thường trực về tổ chức, chỉ đạo thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Ban Trị sự Trung ương.

    2.  Thường xuyên báo cáo, đề xuất với Trưởng ban, và Ban Thường trực về tiến độ công tác đạo sự chủ yếu của đơn vị hoặc địa phương mình phụ trách.

    Được Ban Thường trực ủy nhiệm giải quyết một số công việc khi cần thiết.

    Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Ban Trị sự Trung ương.

    1.  Chịu trách nhiệm về mọi hoạt động đối nội và đối ngoại của Ban Trị sự Trung ương và là người đại diện theo quy định của Pháp luật.

    2.  Chủ trì hội họp của Ban Trị sự Trung ương, Ban Thường trực, kết luận hội nghị Ban Trị sự Trung ương, Ban Thường trực trên cơ sở ý kiến đa số, phù hợp Hiến chương và pháp luật Nhà nước.

    3.  Gợi ý đề ra những chủ trương, giải pháp của đạo để Ban Trị sự Trung ương và Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương thảo luận, quyết định.

    4.  Chăm lo xây dựng đội ngũ Trị sự viên, chức việc chủ chốt từ Trung ương đến cơ sở. Xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Ban Trị sự Trung ương, Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương trên cơ sở giáo lý, giáo luật và pháp luật Nhà nước.

    5.  Thay mặt Ban Trị sự Trung ương, Ban Thường trực ký các nghị quyết và văn bản quan trọng phù hợp với chức trách người đại diện theo pháp luật như: thông bạch, chỉ thị, thông điệp, thông báo và các quyết định bổ nhiệm, thành lập, chia tách tổ chức.

    6.  Chỉ đạo việc chuẩn bị nội dung các kỳ họp của Ban Trị sự Trung ương. Ban Thường trực và Đại hội đại biểu cấp cơ sở, cấp toàn đạo.

    Điều 9. Nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Trưởng ban Thường trực, các Phó Trưởng ban Ban Trị sự Trung ương, Ủy viên Ban Thường trực phụ trách các ban chuyên ngành.

    1.  Phó Trưởng ban Thường trực giúp Trưởng ban Ban Trị sự Trung ương giải quyết công việc hằng ngày của Ban trong chỉ đạo, lãnh đạo tổ chức tiếp thu và kiểm tra đôn đốc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết đã ban hành. Phát hiện, đề xuất với Trưởng ban, Ban Thường trực những vấn đề cần giải quyết, chấn chỉnh, bổ sung.

    Thay mặt Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương khi được Ban Thường trực thống nhất ký các văn bản, các nội dung đã được Trưởng ban Ban Trị sự Trung ương, Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương thống nhất thông qua (trừ những nghị quyết và các văn bản quan trọng do Trưởng ban Ban Trị sự Trung ương ký).

    2.  Các Phó Trưởng ban và các Ủy viên Ban Thường trực giúp Trưởng ban Ban Trị sự Trung ương giải quyết các lĩnh vực chuyên ngành. Hội ý với Trưởng ban để giải quyết những vấn đề đột xuất. Ký thay Trưởng ban trong lĩnh vực chuyên ngành và những văn bản được Trưởng ban Ban Trị sự Trung ương ủy quyền.

    3.  Chịu trách nhiệm trước Ban Trị sự Trung ương và Ban Thường trực về hoạt động của các bộ phận chuyên ngành (Ban, Tiểu ban, Tổ công tác) từ Trung ương đến Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh, thành phố và Ban Trị sự cơ sở do mình phụ trách. Cụ thể hóa và chỉ đạo tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Ban Trị sự Trung ương và Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương.

    4.  Chỉ đạo các bộ phận liên quan chuẩn bị Báo cáo tình hình và kế hoạch, đề án quan trọng, cần thiết để trình hội nghị Ban Trị sự Trung ương hoặc Ban Thường trực thảo luận và quyết định.

    Kịp thời phản ánh tình hình với Trưởng ban hoặc Phó Trưởng ban Thường trực, báo cáo với Ban Thường trực về các vấn đề quan trọng trong hoạt động của chuyên ngành. Quan hệ phối hợp chặt chẽ với Ủy viên Ban Thường trực phụ trách chuyên ngành khác chỉ đạo điều hành các hoạt động đạo sự trọng tâm của toàn đạo theo nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ V.

    Điều 10. Chánh Văn phòng Ban Trị sự Trung ương.

    1.  Chánh Văn phòng Ban Trị sự Trung ương chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng con dấu, là thư ký trong các cuộc họp, hội nghị Ban Trị sự Trung ương và Ban Thường trực, ghi biên bản cuộc họp, hội nghị và thông báo kết luận của các cuộc họp, hội nghị của Ban Thường trực đến các Trị sự viên Trung ương và các bộ phận trực thuộc. Chánh Văn phòng vắng mặt trong các cuộc họp, Ban Thường trực chỉ định một Ủy viên Ban Thường trực làm thư ký cuộc họp.

    2.  Chỉ đạo các Phó Chánh văn phòng và nhân viên văn phòng thực hiện chức năng tham mưu, nghiên cứu tổng hợp, hành chính, văn thư, quản trị phục vụ các mặt hoạt động của Ban Trị sự Trung ương, Ban Thường trực, phối hợp với các ban chuyên ngành, bảo đảm hoạt động hiệu quả.

     

    CHƯƠNG IV

    CHẾ ĐỘ CÔNG TÁC VÀ PHƯƠNG PHÁP LÀM VIỆC

     

    Điều 11. Chuẩn bị và tổ chức hội nghị Ban Trị sự Trung ương, Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương.

    1.     Ban Trị sự Trung ương làm việc theo nguyên tắc dân chủ tập thể, bàn bạc lấy ý kiến đa số thống nhất trước khi ra quyết định (dân chủ đa số); phân công phụ trách và phối hợp thực hiện, giám sát lẫn nhau.

    2.     Ban Trị sự Trung ương họp thường kỳ 06 tháng 01 lần và họp bất thường khi có nghị quyết của Ban Thường trực hoặc của quá bán Trị sự viên Ban Trị sự Trung ương đề nghị.

    3.     Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương họp mỗi tháng 01 lần hoặc họp bất thường khi có yêu cầu do Trưởng ban hoặc Phó Trưởng ban Thường trực được Trưởng ban ủy quyền triệu tập và chủ tọa.

    Khi cần thiết, Ban Trị sự Trung ương, Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương có thể họp mở rộng, những người tham dự hội nghị không phải là Trị sự viên Trung ương có quyền phát biểu ý kiến trong phiên họp, nhưng không được biểu quyết.

    4.     Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương có trách nhiệm chuẩn bị nội dung, chương trình hội nghị Ban Trị sự Trung ương. Phân công các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm chuẩn bị các văn bản liên quan. Những vấn đề quan trọng đưa ra hội nghị Ban Trị sự Trung ương, tập thể Ban Thường trực phải bàn bạc và thống nhất ý kiến trước. Phải gởi các tài liệu cần thiết cho thành phần dự họp để có thời gian nghiên cứu chuẩn bị ý kiến thảo luận.

    Điều 12. Ban hành thông bạch, nghị quyết, chỉ thị, công văn của Ban Trị sự Trung ương, Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương.

    1.  Căn cứ vào nghị quyết của Ban Trị sự Trung ương, Ban Thường trực ban hành các thông bạch, chỉ thị, công văn chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện.

    2.  Các chỉ thị, công văn thuộc lĩnh vực các ban chuyên ngành nào thì ban chuyên ngành đó chuẩn bị dự thảo; các vấn đề khác do Văn phòng Ban Trị sự Trung ương chuẩn bị. Khi chuẩn bị xong, nội dung thuộc Ban nào do Ủy viên Thường trực hoặc Phó Trưởng ban phụ trách Ban đó thông qua với Ban mình phụ trách, sau đó gởi về Văn phòng Ban Trị sự Trung ương xin ý kiến Ban Thường trực xem xét trước khi phát hành.

    Những trường hợp có ý kiến khác nhau hoặc những vấn đề do tập thể Ban Thường trực hoặc Ban Trị sự Trung ương xem xét quyết định thì Trưởng ban và các Phó Trưởng ban bàn bạc thống nhất đưa ra hội nghị thảo luận hoặc có thể gởi văn bản dự thảo đến các Trị sự viên Trung ương để lấy ý kiến, các Trị sự viên Trung ương có trách nhiệm trả lời đầy đủ, đúng thời gian quy định.

    Điều 13. Tổ chức và kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, quyết định, chỉ thị.

    1.  Tùy tính chất từng nghị quyết của Ban Trị sự Trung ương, Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương mà có kèm theo các chỉ thị, hướng dẫn tổ chức thực hiện và kiểm tra thực hiện.

    2.  Nghị quyết hội nghị Ban Trị sự Trung ương, chỉ thị của Ban Thường trực về lĩnh vực công tác đạo sự nào thì Ủy viên Ban Thường trực phụ trách lĩnh vực đó giúp Ban Thường trực chỉ đạo kiểm tra thực hiện.

    3.  Định kỳ hoặc đột xuất, Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương có chương trình kiểm tra việc thực hiện nghị quyết. Những trường hợp đặc biệt, phân công nhiệm vụ cho Đoàn kiểm tra liên ngành triển khai thực hiện, báo cáo kết quả và đề xuất cách xử lý về Ban Thường trực. Sau kiểm tra có thông báo kết quả để các nơi rút kinh nghiệm.

    4.  Các nghị quyết, chỉ thị quan trọng của Ban Trị sự Trung ương phải có sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, bổ sung kịp thời những vấn đề cần thiết. Tùy theo lĩnh vực công tác đạo sự, Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương phân công các bộ phận chức năng tham gia giúp việc chuẩn bị sơ kết, tổng kết.

    Điều 14. Chế độ làm việc của Trưởng ban, các Phó Trưởng ban và các Ủy viên Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương.

    1.  Trưởng ban, Phó Trưởng ban Thường trực và các Phó ban Ban Trị sự Trung ương hội ý thường xuyên để giải quyết công việc. Những vấn đề quan trọng thì mời các Ủy viên Ban Thường trực phụ trách chuyên ngành cùng bàn bạc, xử lý. Phân công trực lãnh đạo trong tuần và phân công theo dõi một số địa bàn cụ thể.

    2.  Hàng tháng, Ban Thường trực họp báo 01 lần để nghe báo cáo tình hình công việc trong tháng, giải quyết những vấn đề cần thiết và bàn công việc của tháng tới.

    3.  Chánh Văn phòng Ban Trị sự Trung ương xây dựng và thực hiện chương trình làm việc của Trưởng ban, các Phó Trưởng ban, các Ủy viên Ban Thường trực và Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương. Kiểm tra đôn đốc các phòng, ban phân công trực nhật trong tuần đầy đủ, đúng giờ giấc quy định.

    4.  Ban Trị sự Trung ương và Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương điều hành các chương trình đạo sự trực tiếp thông qua các cuộc họp, hội nghị; các nghị quyết, kết luận hội nghị được đa số quá bán tán thành đều có giá trị thực hiện. Thiểu số có quyền bảo lưu ý kiến nhưng phải thực hiện nghị quyết chung và không được quyền phát biểu trái với nội dung của nghị quyết.

    5.  Các Phó Trưởng ban được ký thay Trưởng ban, Ủy viên thường trực và Chánh Văn phòng được ký thừa ủy nhiệm trong phạm vi được phân công.

    Trường hợp Trưởng ban Ban Trị sự Trung ương khuyết vị, Phó Trưởng ban Thường trực tạm thời đảm nhiệm quyền Trưởng ban Ban Trị sự Trung ương cho đến khi hội nghị thường kỳ của Ban Trị sự Trung ương suy cử Trưởng ban chính thức. Các Trị sự viên Trung ương khuyết vị, Ban Trị sự Trung ương có quyền bổ nhiệm nhân sự điền khuyết.

    6.  Ban Trị sự Trung ương căn cứ Hiến chương, Quy chế, Nội quy chỉ đạo các ban chuyên ngành và Văn phòng Ban Trị sự Trung ương, Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh, thành phố và các Ban Trị sự xã, phường, thị trấn thực hiện các chương trình, kế hoạch đạo sự được Đại hội đại biểu Phật giáo Hòa Hảo cấp toàn đạo quyết nghị, các nghị quyết của Ban Trị sự Trung ương và Ban Thường trực.

    Mối quan hệ giữa Văn phòng, các ban chuyên ngành và Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh, thành phố là mối quan hệ phối hợp thông tin thông suốt hai chiều, chịu sự lãnh đạo của Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo và Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương.

    Điều 15. Tự phê bình và phê bình.

    Các Ủy viên Ban Thường trực, Trị sự viên Trung ương, Trưởng Phó các ban chuyên ngành tự kiểm báo Ban Thường trực 6 tháng/lần.

    Hằng năm, Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương kiểm điểm tập thể về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết của Đại hội, nghị quyết của Ban Trị sự Trung ương và gởi báo cáo tới các Trị sự viên Ban Trị sự Trung ương.

    Điều 16. Lãnh đạo Ban Trị sự Trung ương phải thường xuyên đi cơ sở, tiếp xúc với Trị sự viên, lắng nghe nguyện vọng chính đáng và chịu sự giám sát của tín đồ, qua đó góp ý kiến với cơ sở và phản ánh cho Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương các vấn đề cần thiết.

     

    CHƯƠNG V

    ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

     

    Điều 17. Tổ chức thực hiện.

    1.  Các Trị sự viên Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh Quy chế làm việc này và kịp thời phản ảnh những vấn đề cần bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn trong các hội nghị Ban Trị sự Trung ương.

    2.  Ban Kiểm soát Ban Trị sự Trung ương phối hợp với Ban Tổ chức và Nhân sự, Văn phòng Ban Trị sự Trung ương và các ban chuyên ngành liên quan giám sát việc thực hiện Quy chế này và báo cáo Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương.

    3.  Việc bổ sung, sửa đổi Quy chế do Ban Trị sự Trung ương quyết định.

    4.  Quy chế này gồm có 5 Chương, 17 Điều, thay thế các Quy chế đã ban hành trước đây và có hiệu lực kể từ ngày ký.

    5.  Ban Trị sự Trung ương, Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, Văn phòng, các ban chuyên ngành, Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh, thành phố, Ban Trị sự xã, phường, thị trấn, Trị sự viên các cấp, chức việc nhân viên nghiêm chỉnh chấp hành bản Quy chế này.

     

     

     

     

    TM. BAN TRỊ SỰ TRUNG ƯƠNG GH PGHH

    TRƯỞNG BAN

    (Đã ký) 

    Nguyễn Tấn Đạt

     BAN TRỊ SỰ TRUNG ƯƠNG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO HÒA HẢO
    Địa chỉ: An Hòa Tự - TT. Phú Mỹ - H. Phú Tân - An Giang

    © 2014-2015 Bản quyền thuộc về Ban Trị Sự Trung Ương Phật Giáo Hòa Hảo


     

    Hotline:
    18001742

       Chia sẻ với bạn bè trên