Dù đã ở vào độ tuổi “thất thập cổ lai hy”, họ vẫn nhiệt tình tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương. Với họ, tuổi tác không còn là rào cản khi đã quyết tâm góp sức mình vào công cuộc phòng, chống dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Thắm
Sẵn sàng nơi “tiền tuyến”
Trong lần đến thăm chốt phòng, chống dịch COVID-19 đường thủy của thị trấn Cái Dầu (huyện Châu Phú), tôi có chút bất ngờ khi gặp một thành viên cao niên của chốt. Ông là Lưu Văn Dần (Mười Dần), tình nguyện viên tham gia phòng, chống dịch khá tích cực của địa phương dù đã ở tuổi 70. Trong sắc phục dân quân tự vệ, ông Dần trở nên nổi bật bởi gương mặt sạm dấu thời gian, đôi mắt trũng sâu nhưng nhiều nghị lực.
Khi được hỏi về lý do tham gia chống dịch, ông Dần chia sẻ: “Dù lớn tuổi nhưng mắt còn tỏ, tai còn tinh và đủ sức khỏe tham gia với anh em. Nhiệm vụ có vất vả, nhưng tôi thấy vui vẻ, phấn khởi vì việc làm của mình giúp ích cho xã hội. Ở cái tuổi này, mình không còn bận tâm nhiều điều, chỉ muốn góp sức cùng mọi người chống dịch. Dịch bệnh được kiểm soát, cuộc sống trở lại bình thường thì người dân mới ra đường mưu sinh. Ở nhà cũng không làm gì, nên tôi sắp xếp thời gian tham gia với anh em”.
Thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, ông Dần tham gia trực chốt phòng, chống dịch COVID-19 trên sông theo ca với anh em. Bất kể nắng mưa, ông đều nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Những “đồng nghiệp” trẻ của ông cũng cố gắng làm lướt phần nhiệm vụ vì ông Mười Dần tuy có nhiệt tình nhưng cao tuổi, sức khỏe không đảm bảo như người trẻ được. Trước khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ông Dần tích cực tham gia Hội Chữ thập đỏ huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) và phụ giúp công tác với Ban Nhân dân ấp. Tính ra, ông đã có khoảng 40 năm tham gia vào công tác Hội Chữ thập đỏ tại địa phương.
Dù tích cực với công tác xã hội nhưng cuộc sống của ông Dần không khá mấy. Trước đây, ông chạy xe “Honda đầu” kiếm sống, vợ ông đi bán vé số mưu sinh. Đôi vợ chồng già còn cưu mang đứa cháu mới lên 6 tuổi. Trong gian nhà đơn sơ của ông, tôi thấy hàng chục tấm giấy khen, bằng khen treo trên vách. Đó là gia tài của người đàn ông 70 tuổi đã có khoảng thời gian mấy mươi năm tham gia cống hiến cho công tác an sinh xã hội tại địa phương.
“Cuộc sống gia đình dù có khó khăn nhưng tôi cảm thấy vui vì đã giúp ích cho cộng đồng. Tôi hy vọng dịch bệnh sẽ sớm bị đẩy lùi, để mọi người trở về với cuộc sống bình thường, gia đình tôi cũng vơi bớt nỗi lo cơm áo. Tôi sẽ tiếp tục tham gia cùng địa phương chống dịch COVID-19 theo khả năng của mình. Mong rằng, mọi người sẽ nêu cao ý thức để cùng vượt qua đại dịch an toàn” - ông Dần bộc bạch.
Ông Lưu Văn Dần
Vững chắc ở “hậu phương”
Hàng ngày, cứ đến 6 giờ sáng, người dân địa phương lại thấy ông Nguyễn Văn Thắm có mặt ở Bửu Hòa Tự (thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú) để đôn đốc, sắp xếp việc nấu ăn từ thiện hỗ trợ người dân tại các khu cách ly. Từ ngày dịch bệnh xuất hiện trên địa bàn huyện đến nay, bếp ăn từ thiện của Bửu Hòa Tự đã liên tục nổi lửa phục vụ các suất ăn cho người dân. Trong chuỗi ngày hối hả đó, ông Nguyễn Văn Thắm (thường gọi Ba Tâm) luôn nhiệt tình tham gia với đồng đạo, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.
Ông Thắm chia sẻ: “Tôi là người theo đạo, phải xem pháp môn hành đạo “học Phật - tu nhân”. Tôi nghĩ mình “mới” 66 tuổi nên vẫn có thể cống hiến sức lực cho công tác từ thiện - xã hội, đặc biệt là tham gia phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương. Với vai trò là Phó Trưởng ban Đại diện PGHH tỉnh kiêm Trưởng ban Trị sự Giáo hội PGHH thị trấn Cái Dầu, tôi luôn cố gắng tuyên truyền để bà con tín đồ hiểu, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch cũng như tham gia tốt công tác an sinh xã hội, hỗ trợ những người gặp khó khăn”.
Để tham gia tốt công tác đạo sự, ông Thắm phải sắp xếp việc gia đình ổn thỏa rồi mới đi lo “chuyện xã hội”. Với ông, giúp được một người là thêm một niềm vui. Gặp gỡ với ông, điều tôi ấn tượng nhất chính là sự giản dị, chân phương của một người tín đồ PGHH qua mái tóc lơ thơ bạc, giọng nói trầm ấm và tính cách thân thiện. Với cái tâm thiện nguyện, ông đã cùng với đồng đạo, tín đồ PGHH giúp đỡ, hỗ trợ nhiều cảnh đời khó khăn trong cuộc sống và trong đại dịch.
“Ở Bửu Hòa Tự, không chỉ có mình tôi là người cao tuổi tham gia chống dịch. Còn có chị Nguyễn Thị Ráng (ngụ xã Bình Long) đã 72 tuổi vẫn ngày ngày tham gia nấu cơm phục vụ các khu cách ly đều đặn mấy tháng nay. Ngoài ra, còn phải trân trọng sự đóng góp của các nhà hảo tâm và bà con ở khu vực gần Bửu Hòa Tự, họ thường xuyên lui tới phụ giúp chúng tôi nấu khoảng 1.300 suất ăn mỗi ngày, để hỗ trợ các khu cách ly tập trung tại thị trấn Cái Dầu và xã Bình Mỹ” - ông Thắm cho hay.
Có lẽ với họ, tuổi tác và tiền bạc là hữu hạn, nhưng tấm lòng yêu đồng bào, sẵn sàng góp sức cho quê hương thì luôn vô hạn.