AGO - Xuất phát từ tấm lòng muốn san sẻ, giúp đỡ người dân quê mình, mong muốn vùng quê nhanh chóng phát triển, nhiều nhà hảo tâm không ngại ủng hộ số tiền lớn để thực hiện các công trình nông thôn, chăm lo an sinh xã hội.
Xã Hiệp Xương (huyện Phú Tân) vừa khánh thành cầu Bình Tây, kinh phí xây dựng gần 2 tỷ đồng, nối liền đôi bờ ấp Hiệp Thạnh và Hiệp Hưng. Trong đó, gia đình ông Phạm Bình Tây (xã Bình Thạnh Đông) ủng hộ 1,2 tỷ đồng. Trong ký ức của bà Nguyễn Ngọc Mới (vợ ông Bình Tây), ngọn Sư Tủ (nơi xây dựng cầu) là kỷ niệm gắn với thời cơ hàn.
Thuở đó, gia đình bà nghèo đến nỗi phải sống trên ghe, nay đây mai đó để mưu sinh, cặp bờ chỗ nào thì “tạm trú” chỗ đó. Ngọn Sư Tủ là nơi gia đình bà đậu ghe thời gian dài, gắn bó với người dân trong vùng. Vượt qua đói kém, gia đình bà trở lại góp tiền ủng hộ xây dựng rất nhiều cây cầu thuộc các xã vùng sâu của huyện Phú Tân, từ vài trăm triệu đồng đến cầu Bình Tây có mức đóng góp cao nhất 1,2 tỷ đồng.
Cầu Bình Tây được xây dựng 3 nhịp, dài 34m, rộng 4,5m, kết cấu bê-tông cốt thép, tải trọng 8 tấn. Trước đây, giữa ấp Hiệp Thạnh và Hiệp Hưng, người dân phải đi vòng qua 2 cây cầu gỗ nhỏ. Hàng chục năm không có cầu lớn kiên cố, đặc biệt vận chuyển nông sản gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Phạm Bình Tây chia sẻ: “Kiếm được đồng tiền rất vất vả, nhưng gia đình sẵn lòng đóng góp như vậy là mong cho đời sống bà con thoải mái hơn. Có cây cầu, mọi người đi lại dễ dàng, các cháu đi học thuận lợi, đóng góp một phần nhỏ xây dựng quê hương là niềm vui khó tả”. Trước đó, cũng tại xã Hiệp Xương, gia đình ông Phạm Bình Tây còn đóng góp tiền để xây dựng cầu Trường “C”, vừa mới đưa vào sử dụng đầu tháng 8/2022.
Tại xã Phú Thành, ông Ngô Văn Đậu còn có tên gọi thân quen là Tám Đậu, trở thành nhà hảo tâm đáng quý của người dân trong và ngoài địa phương. Xuất thân trong gia đình nghèo khó, sống bằng nghề làm thuê, ngay từ thời điểm đó, ông Đậu đã khát khao được giúp đỡ những người nghèo.
Ông có niềm tin, ai rồi cũng vươn lên sống tốt, chỉ cần được tiếp sức và biết nỗ lực, hành trình của những người nghèo sẽ được rút ngắn nhanh hơn nếu có sự hỗ trợ kịp thời. Hơn 10 năm trước, ông Đậu góp tiền mua xe chuyển bệnh miễn phí trị giá 540 triệu đồng, kế đến là chiếc xe chuyển bệnh 700 triệu đồng.
Từ năm 2011 đến nay, ông tích lũy mua đất ruộng, tổng cộng được 90 công, tiền cho thuê thu về 300 triệu đồng/năm, dành trọn để làm việc thiện. Thời trẻ, ông Đậu có 3 nguyện vọng, có tiền giúp người nghèo, mua xe chuyển bệnh miễn phí và làm nghĩa trang nhân dân. Tất cả tâm nguyện đến nay đều đạt được. Gần đây nhất, xã có chủ trương xây dựng nghĩa trang nhân dân, ông Đậu hiến 1.000m2 đất và đóng góp chi phí 500 triệu đồng nâng cấp hoàn chỉnh nghĩa trang.
Hàng năm, ông Đậu có doanh thu từ trồng lúa và nuôi cá khoảng 2 tỷ đồng. Mỗi khi địa phương hoặc các xã lân cận có chủ trương xây cầu, làm đường, cất nhà… ông đều ủng hộ số tiền lớn để góp phần hoàn thành các mục tiêu, mong muốn giúp đỡ hộ nghèo, giúp quê hương phát triển.
Tháng 8/2022, xã Phú Thành và Phú Long phối hợp xây dựng cầu Ranh để chào mừng kỷ niệm 190 năm ngày thành lập tỉnh, ông Đậu đóng góp 35 triệu đồng vào kinh phí xây dựng cầu. Ông cho biết những việc bản thân làm đều xuất phát từ nguyện vọng nhiều năm trước, đến nay vẫn được gia đình ủng hộ và đồng hành.
Một số người, tuy hiện nay không sinh sống và làm việc ở huyện Phú Tân, nhưng đã từng sinh ra, học tập ở nơi đây, họ vẫn không quên về nơi “chôn nhau cắt rốn”. Học tập, trưởng thành, nay nhiều người trở thành những gương sáng thành đạt, không quên trả ơn cho quê hương đã dung dưỡng cho mình.
Là người con của huyện Phú Tân, lập nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh 20 năm nay, vợ chồng anh Huỳnh Trọng Tín và chị Tô Phước Duyên (Doanh nghiệp tư nhân Kim hoàn Sài Gòn Kim Tín) mỗi năm đều về quê nhân dịp Tết, 2 kỳ lễ đạo của Phật giáo Hòa Hảo, đám giỗ, ngày tựu trường và Tết Trung thu. Những dịp này, anh chị ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, tham gia các chuyến tặng quà cho học sinh nghèo, người nghèo trên địa bàn huyện và nhiều địa phương khác trong tỉnh, với kinh phí khoảng 100 triệu đồng.
Anh Nguyễn Thanh Phúc, hiện là Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xi măng VICEM Hà Tiên, kiêm Giám đốc Nhà máy Xi măng Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) cũng là người con quê hương Phú Tân. Sinh ra tại xã Phú An, anh Phúc từng học tập với người thầy rất tận tâm là ông Ngô Thanh Trí (nay là Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân).
Ngày xưa, đời sống người dân còn khốn khó, việc đến lớp để đeo con chữ càng khó hơn. Được thầy động viên, anh Phúc và các thế hệ học trò luôn cố gắng để nghĩ về tương lai, phấn đấu hết mình bằng con đường học tập. Với mong muốn giúp đỡ những học sinh nghèo được đến trường thuận lợi, anh Phúc ủng hộ gần 200 triệu đồng để mua thẻ bảo hiểm y tế và xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn của 9 trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện.
Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, huyện Phú Tân đã huy động sức dân để đồng lòng cùng chính quyền địa phương thực hiện các chủ trương đổi mới. Ngoài những nguồn lực từ nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp… huyện ghi nhận và tri ân nhiều cá nhân tiêu biểu từng là người con của quê Phú Tân trở về đóng góp. Từ đó, tô thắm thêm hình ảnh con người, cốt cách của “xứ đạo” nghĩa tình, đoàn kết và luôn hướng về cộng đồng.