TTO - Những ngày gần đây, một số cơ quan, đơn vị, báo chí, cá nhân vẫn gọi những người Việt Nam hảo tâm, trọng nghĩa giúp đồng bào, các tổ chức trong dịch COVID-19 là mạnh thường quân.
Từ lâu, nhiều người Việt Nam cho rằng mạnh thường quân đồng nghĩa với người giàu lòng nhân ái, nghĩa hiệp. Trong khi đó, điểm cơ bản nhất là những người Việt thiện nguyện giúp người mà không mong người được giúp báo đáp, còn Mạnh Thường Quân giúp người là để người được giúp giữ quyền, giữ tiền cho mình.
Từ điển tiếng Việt (NXB Đà Nẵng, 2007) có một mục từ Mạnh Thường Quân với hai nghĩa: một là người "rất giàu có, yêu trọng hiền tài và hay dùng tiền bạc để làm việc nghĩa"; hai là "dùng để chỉ người giúp đỡ về mặt tài chính cho một công việc chung, một tổ chức...".
1. Mạnh Thường Quân tên thật là Điền Văn (? - 279 TCN), người nước Tề thời Chiến Quốc bên Trung Quốc. Mạnh Thường Quân có yêu trọng hiền tài và làm việc nghĩa với ai? Có, nhưng chủ yếu là với hơn ba ngàn tân khách trong nhà ông.
Đọc Sử ký của Tư Mã Thiên (Phạm Văn Ánh dịch) và Đông Chu liệt quốc của Phùng Mộng Long (Nguyễn Đỗ Mục dịch) thì thấy trong số đó có vài mưu sĩ, du thuyết, thám tử, nhiều võ sĩ và lưu manh lêu lổng không chịu làm ăn, tội phạm.
Ông nuôi họ để họ giúp ông tạo danh tiếng, giữ mạng, giữ ghế và đi đòi nợ cho ông. (Theo Lịch sử lưu manh, Cao Tự Thanh dịch, NXB Trẻ, 2002).
"Việc nghĩa" gần như duy nhất được gán cho Mạnh Thường Quân là đốt giấy vay nợ của dân nghèo đất Tiết.
Tuy nhiên, đó không phải là chủ ý của ông mà do Phùng Hoan, tân khách của ông, tự làm để "bỏ thứ không thể đòi khiến dân ấp Tiết thân với ngài, ngài cũng tỏ được tiếng tốt" (Theo Tư Mã Thiên: Sử ký, Phạm Văn Ánh dịch, NXB Văn Học, 2016).
Trước đó, Mạnh Thường Quân sai Phùng Hoan đi đòi tiền lời dân đất Tiết, nhằm lấy tiền nuôi thực khách trong nhà ông.
Người yêu trọng hiền tài và hay làm việc nghĩa thì không can dự vào việc giết người vô tội. Ấy nhưng, nói theo ngôn ngữ luật pháp hiện hành, có thể gọi Mạnh Thường Quân là chủ mưu hoặc chí ít cũng tòng phạm giết người vô tội. "Mạnh Thường Quân qua Triệu, Bình Nguyên - quân nước Triệu - đối đãi như khách.
Người Triệu nghe nói Mạnh Thường Quân hiền năng, kéo nhau ra xem, đều cười nói: "Nghe nói Tiết công là người đường bệ, nay nhìn té ra chỉ là người đàn ông nhỏ thó".
Mạnh Thường Quân nghe vậy, nổi giận. Tân khách đi cùng đều xuống xe, chém chết mấy trăm người, diệt một huyện rồi đi". (Tư Mã Thiên, sách đã dẫn).
2. Sở dĩ có chuyện ví những người hảo tâm, trọng nghĩa Việt Nam là Mạnh Thường Quân có lẽ do chân dung đầy đủ của Mạnh Thường Quân xuất hiện ở Việt Nam quá trễ.
Các bản dịch Sử ký ra tiếng Việt từ 1944 đến mười mấy năm đầu thế kỷ 21 đều chưa dịch phần Mạnh Thường Quân liệt truyện.
Trong khi đó, Mạnh Thường Quân hiện ra chỉ toàn phần sáng trong tiểu thuyết chương hồi Đông Chu liệt quốc từ bản dịch năm 1938 và tái bản nhiều lần.
Dù nguyên do thế nào, theo người viết, việc ví những nhà hảo tâm Việt Nam như Mạnh Thường Quân là không phù hợp.
Tuổi Trẻ giới thiệu một góc nhìn khác quanh từ "mạnh thường quân":
Từ "mạnh thường quân" đã được Việt hóa lâu đời
Vấn đề nội dung ý nghĩa và nguồn gốc từ ngữ tiếng Việt xuất phát từ các điển tích, điển cố nước ngoài là hiện tượng giao thoa, tiếp biến ngôn ngữ bình thường giữa tiếng Việt và nhiều nước khác như Trung, Pháp, Anh, Nga... trong quá trình giao lưu văn hóa suốt trường kỳ lịch sử.
Trong đó, vốn văn hóa Trung Hoa qua hàng ngàn năm lịch sử đã ảnh hưởng sâu đậm đến văn hóa nước ta.
Do đó hiện nay, khá nhiều từ Hán Việt có nguồn gốc từ văn hóa Trung Hoa, cộng đồng người Việt vẫn hằng sử dụng mà không mấy quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ của nó.
Nhiều từ ngữ vốn là tên riêng của các nhân vật lịch sử hay nhân vật văn học Trung Hoa, qua quá trình sử dụng lâu dài, du nhập tự nhiên vào ngôn ngữ tiếng Việt, nay đã được "chung hóa" (không viết hoa) thành từ tiếng Việt như: đạo chích, sở khanh, thạch sùng, mạnh thường quân...
Do đó, chúng ta có thể dùng các từ nêu trên với nghĩa hiện hữu trong tiếng Việt, ví dụ: "mạnh thường quân: người hay giúp đỡ cho một việc chung, một tổ chức" [1091, Đại từ điển tiếng Việt], mà không nhất thiết phải băn khoăn về nguồn gốc điển tích, tìm hiểu cặn kẽ xuất xứ, cũng không cần áy náy về việc gây tổn thương cho đối tượng áp dụng.
Tất nhiên, trong những ngữ cảnh cụ thể, có thể thay từ "mạnh thường quân" bằng từ "nhà hảo tâm", "nhà từ thiện"..., nhưng rõ ràng biên độ nghĩa của các từ trên không hoàn toàn trùng khớp với nhau, mỗi từ mang sắc thái ngữ nghĩa tinh tế khác nhau, không thể thay thế cho nhau trong mọi trường hợp.