Làn sóng Covid lần thứ tư ở nước ta diễn biến khá phức tạp, đặc biệt là TP.HCM và các tỉnh thành phía nam. Thực hiện nghiêm chỉ thị 16 của Chính phủ về giãn cách xã hội khiến một số người dân ở TP.HCM, nhất là những người lao động nghèo khó khăn trong việc tìm mua các nhu phẩm thiết yếu. Trước tình hình đó, Ban Trị Sự Giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo xã Tân Bình (huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) cùng các đồng đạo đã đóng góp nông sản để vận chuyển đến các địa điểm khó khăn ở TP.HCM.
Nhìn những gương mặt hiền từ chân chất và tấm lòng cao đẹp của tín đồ mình mà thương làm sao! Tờ mờ sáng những đồng đạo đã ra ruộng, rẫy để thu gom nông sản. Trên mặt mỗi người là một chiếc khẩu trang che kín mặt, họ chấp hành nghiêm việc giữ khoảng cách. Thế nhưng tôi cảm nhận được giữa họ dường như không có bất kì khoảng cách nào. Trong lúc làm việc, họ kể nhau về tình hình “cảm nặng” ở Sài Gòn, họ nhìn nhau có xen lẫn chút lo lắng và sự đồng cảm, để rồi những cái mệt tự nhiên tan biến. Hỏi sao lạ vậy, sao đồng đạo làm mà không thấy than mệt? Phải chăng đó chính là cách thể hiện Ân Đồng Bào mà tín đồ PGHH đã thực hiện theo lời dạy của Đức Thầy:
“Đồng bào ta và ta cùng chung một chủng tộc, cùng một nòi giống roi truyền, cùng có những trang lịch sử vẻ vang oanh liệt, cùng tương trợ lẫn nhau trong cơ nguy biến, cùng chung phận sự đào tạo một tương lai rực rỡ trong bước tiền đồ của giang san đất nước. Đồng bào ta và ta có một liên quan mật thiết, không thể rời nhau, chẳng thể chia nhau và chẳng khi nào có ta mà không có đồng bào, hay có đồng bào mà không có ta. Thế nên ta phải rán giúp đỡ họ hầu đáp đền cái ơn mà ta đã thọ trong muôn một.”
Thế mới thấy, đã gọi nhau là Đồng Bào, thì dù “Giãn cách” nhưng không “Giãn lòng”.