Điểm cầu tại Hà Nội
Sáng ngày 22/12/2021, tại Hà Nội, Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức Hội thảo khoa học trực tuyến với chủ đề “hỗ trợ các hoạt động tôn giáo gắn với việc giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc cho cộng đồng người việt nam ở nước ngoài”
Bà Trần Thị Minh Nga, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ chủ trì hội thảo; Tham dự hội thảo có: ông Đinh Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thông tin văn hóa, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Tiến sĩ Bùi Hữu Dược, Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị Ban Tôn giáo Chính phủ.
Đại diện các tổ chức tôn giáo có Thượng tọa Tiến sĩ Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Linh mục Đỗ Trọng Huy, Giáo xứ Minh Châu tỉnh Thái Bình; Mục sư Trần Thanh Truyện, Hội trưởng Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm Việt Nam; ông Nguyễn Văn Thỏa, Tổng thư ký Hội đồng Tinh thần Tôn giáo Ba Ha’i Việt Nam; Ông Nguyễn Tấn Đạt, Trưởng ban Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo; Bà Si Ti Ha Ra, Đại diện Cộng đồng Hồi giáo An Giang…vv…
Theo bà Trần Thị Minh Nga, qua việc thực hiện Đề án “Hỗ trợ các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo của người Việt Nam ở nước ngoài, tạo điều kiện để kiều bào được tham gia tôn giáo, tín ngưỡng trong nước” và qua nghiên cứu, Ban Tôn giáo nhận thấy cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng đã và đang góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác, vun đắp tình hữu nghị giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 50% là đồng bào có tôn giáo. Qua nghiên cứu, khảo sát và qua thực tiễn triển khai Đề án, xác định rõ những thuận lợi cũng như những khó khăn, bất cập của đồng bào có tôn giáo, tín ngưỡng trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức hội thảo nhằm thêm thông tin, dữ liệu từ các tổ chức tôn giáo trong nước về các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đối với kiều bào cũng như các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, bất cập để hỗ trợ cho bà con có tín ngưỡng, tôn giáo trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ các hoạt động tôn giáo gắn với việc giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc cho cộng đồng người việt nam ở nước ngoài một cách thiết thực, hiệu quả nhằm góp phần huy động nguồn lực của toàn dân tộc trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc cũng như trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.
Theo bà Lê Thị Liên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Tôn giáo thì cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đến nay có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, trên 2,5 triệu là tín đồ các tôn giáo. Mặc dù theo các tôn giáo khác nhau và chịu tác động, ảnh hưởng từ môi trường, điều kiện sống khác nhau, nhưng đa số kiều bào là tín đồ các tôn giáo luôn có tinh thần hướng về quê hương, giữ gìn và phát huy truyền thống của dân tộc.
Tham gia thảo luận, ông Nguyễn Tấn Đạt, Trưởng ban Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo phát biểu Phật giáo Hòa Hảo tham gia Hội thảo trên tinh thần là để học tập kinh nghiệm của các tôn giáo có điều kiện hơn trong việc vận động, giúp đỡ bà con là người Việt Nam có tôn giáo ở nước ngoài duy trì và phát huy văn hóa dân tộc và tôn giáo truyền thống của mình.
I. Quan điểm của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo đối với người Việt Nam ở nước ngoài:
1. Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo thống nhất và tích cực hưởng ứng chính sách của Nhà nước ta đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài;
- “Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời, và là nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.
2. Chính sách của nhà nước đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài đồng thuận với giáo lý Tứ ân của Phật giáo Hòa Hảo.
3. Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo thực hiện chính sách Đại Đoàn kết của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:
- “Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”; chấp nhận những sự khác nhau không trái với mục tiêu chung; xây dựng nước Việt Nam công nghiệp hóa, hiện đại hóa “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”; “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
II. Những giải pháp cụ thể:
1. Tích cực vận động, cung cấp thông tin về tình hình đất nước và của Phật giáo Hòa Hảo cho đồng bào, và đồng đạo Phật giáo Hòa Hảo ở nước ngoài.
-Thông qua Tạp chí Hương Sen (Mỗi quý phát hành 1 số, 2000 - 3000 quyển).
-Thông qua trang web https://phatgiaohoahao.org.vn/ (hoặc https://pghh.org.vn/).
2. Thông qua những gia đình tín đồ Phật giáo Hòa Hảo có thân nhân định cư ở nước ngoài, giúp họ hiểu về đường hướng hoạt động của giáo hội và chủ trương chính sách của nhà nước về tôn giáo.
3. Hưởng ứng các chương trình của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, vận động đồng bào ở nước ngoài (Họp mặt mừng xuân).
4. Giải pháp quan trọng nhất là Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo vận động, tổ chức, thực hành giáo lý Phật giáo Hòa Hảo đúng theo tôn chỉ và đúng pháp luật nhà nước, lấy thành quả đạo sự mà thuyết phục đồng đạo ở nước ngoài.
Các cấp giáo hội, có dịp thì gặp trực tiếp với tinh thần đồng đạo, đồng hương, nhân các cuộc gặp gỡ mà giải thích về chính sách tự do tôn giáo của nhà nước, đường hướng hoạt động của giáo hội.
5. Đối với các tỉnh có chung biên giới với Campuchia như An Giang, Đồng Tháp, dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc địa phương, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa hảo tham gia đoàn, quyên góp vật chất cùng với Mặt trận đến thăm và tặng quà cho đồng bào ở nước bạn. (Từ sau chế độ Pol Pot, có một số người Việt trở lại sinh sống trên đất bạn).
Song song đó, hợp tác cùng các ngành giúp đỡ người Campuchia sinh sống ven biên thuộc lãnh thổ Việt Nam để xây dựng biên giới hữu nghị.
III. Xu hướng ngày càng tiến bộ của cộng đồng người Việt Nam “có Đạo Phật giáo Hòa Hảo” ở nước ngoài
a. Cộng đồng người Việt Nam theo đạo Phật giáo Hòa Hảo định cư ở nước ngoài, đại đa số an phận mưu sinh, có tinh thần hướng về quê hương, những người có quan điểm trái chiều, chống đối chế độ, chống đối chủ trương chính sách về tôn giáo của nhà nước chỉ có một số ít, tập trung chủ yếu ở Mỹ và Úc, thuộc diện HO, di tản, vượt biên, và số người gọi là “tị nạn chính trị”, họ được cơ quan truyền thông nước ngoài hỗ trợ tuyên truyền, đánh lừa dư luận, liên kết với thành phần bất mãn trong nước gây ồn ào, mất trật tự, một số ít tín đồ trong nước và nước ngoài hoang mang + dao động.
Tuy nhiên, từ thành quả mọi mặt của đất nước, đời sống của nhân dân ngày một nâng cao. Trong đó có bà con tín đồ các tôn giáo nói chung, Phật giáo Hòa Hảo nói riêng, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo ở nước ngoài ngày càng hiểu rõ hơn sự phát triển của đất nước và thành quả đạo sự theo đường hướng “Vì đạo pháp, vì dân tộc” mang lại “phước lợi cho toàn thể chúng sinh”, nhất là từ sau đổi mới, bà con có dịp về quê hương trực tiếp chứng kiến sự đổi thay của đất nước, của vùng đạo.
Nhiều tín đồ Phật giáo Hòa Hảo ở nước ngoài gởi tiền về cho thân nhân trong nước giúp giáo hội Phật giáo Hòa Hảo làm từ thiện, có người về nước mở doanh nghiệp tạo việc làm và đóng góp cho Giáo hội.
Từ đó, lực lượng chống đối mượn danh tín đồ Phật giáo Hòa Hảo trong nước và nước ngoài ngày càng bị cô lập.
b. Tuy nhiên, việc vận động bà con tín đồ ở nước ngoài chưa cân xứng với yêu cầu của tình hình bùng nổ thông tin như hiện nay.
- Chưa đủ sức lan tỏa đến các diện và các thế hệ tín đồ một cách trực tiếp, mà chỉ thông qua nhân thân trong nước là chủ yếu.
- Công tác thống kê số lượng tín đồ ở nước ngoài chưa làm được.
- Lực lượng con người còn rất thiếu và yếu, chưa có khả năng tuyên truyền bằng ngoại ngữ, nội dung thiết bị kỷ thuật truyền thông nghèo nàn, còn mang tính nghiệp dư.
- Chưa có chủ trương thống nhất, cụ thể về việc vận động đồng bào có đạo ở nước ngoài nên việc này còn mang tính tự phát, thiếu sự hướng dẫn tổng kết, rút kinh nghiệm.
IV.Kiến nghị:
- Các ngành chức năng liên quan có hướng dẫn cụ thể thống nhất, có đầu mối chủ trì phối hợp với nhau và với các tôn giáo trong việc vận động đồng bào có đạo ở nước ngoài.
- Thường xuyên cung cấp thông tin, phổ biến cách làm hay cho các tôn giáo.
(trích tham luận)
Ông Nguyễn Tấn Đạt, Trưởng Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo phát biểu trong Hội thảo
Sau hơn 2 giờ làm việc nghiêm túc, lắng nghe, bà Trần Thị Minh Nga, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ ghi nhận các ý kiến thảo luận hết sức tâm huyết của đại diện các tôn giáo và các nhà khoa học. Bà đánh giá cao các đóng góp, kiến nghị được đưa ra trong Hội thảo và sẽ tập hợp để Ban Tôn giáo Chính phủ đề xuất, tham mưu các Chủ trương, Chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt Nam ở nước ngoài thật hiệu quả, thiết thực như dạy tiếng Việt, mở các Trung tâm văn hóa Việt Nam cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho chức sắc, chức việc của các tổ chức tôn giáo trong nước ra nước ngoài hoạt động tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài về nước tham gia các hoạt động tôn giáo.
Hội thảo đã khép lại, nhưng các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng gắn với việc giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã mở ra để khoảng cách địa lý không còn nữa trong Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và đồng bào trong nước về Bản sắc văn hóa dân tộc.